
Virus hợp bào hô hấp ở trẻ em (RSV) là một loại virus có khả năng lây lan cao đồng thời cũng là căn nguyên phổ biến toàn cầu gây ra các nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở mọi nhóm tuổi. Ước tính 60% trẻ nhiễm trước 1 tuổi và có đến 80% trẻ đã nhiễm RSV khi được 2 tuổi…
Vì vậy, các trường hợp trẻ bị nhiễm bệnh cho RSV cần được chăm sóc và điều trị đúng cách để hạn chế các biến chứng nặng của bệnh như suy hô hấp cấp tính hoặc sự tắc nghẽn lâu dài lên đường thở (Viêm tiểu phế quản bít tắc)…
Virus hợp bào hô hấp ở trẻ em là gì?
Tại Việt Nam, Virus thường sẽ sinh sôi và phát tán mạnh tạo thành các đợt dịch vào mùa đông xuân khi thời tiết lạnh.
Bệnh hay gặp ở nhóm trẻ đi nhỏ hơn 2 tuổi, nhất là nhóm 6-18 tháng tuổi, có khả năng tái nhiễm vài lần. Nếu trẻ lớn hơn 2 tuổi thì bệnh cảnh thường nhẹ hơn, nếu trẻ nhỏ hơn 6 tháng thì triệu chứng thường nặng. Theo nhiều nghiên cứu mới nhất được báo cáo gần đây, mỗi năm có khoảng 4-5 triệu trẻ mắc RSV. Do vậy, có thể nói RSV là một bệnh khá thường gặp ở trẻ em.
Thông thường RSV sẽ xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi, gây viêm niêm mạc đường hô hấp, khiến dịch đờm mũi tiết nhiều, đặc quánh dẫn đến bít tắc đường thở nguy cơ suy hô hấp. Sau khi virus xâm nhập vào tiểu phế quản gây các triệu chứng khò khè, thở nhanh, khó thở,…
Nguyên nhân gây nhiễm virus RSV ở trẻ em
Virus hợp bào hô hấp (RSV) lây truyền qua trực tiếp tiếp xúc với dịch mũi, dịch nước bọt hoặc từ tay người mang virus thông qua đường mắt hoặc mũi. Virus ít lây truyền qua đường khô khí. RSV có thể tồn tại ở đường hô hấp của cả người bệnh lần người lành mang virus trong vòng 2 tuần. Ở người suy giảm miễn dịch, virus có thể tồn tại đến 6 tuần.
Các yếu tố tăng nguy cơ nhiễm virus RSV ở trẻ?
Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm virus RSV ở trẻ, trẻ nhiễm bệnh thường sẽ có diễn biến nghiêm trọng và nguy cơ xuất hiện biến chứng cao:
- Trẻ nhỏ hơn 3 tháng.
- Trẻ đẻ non, cân nặng sơ sinh thấp
- Trẻ có tiền sử ngừng thở hoặc tím
- Trẻ có các dị tật bẩm sinh liên quan đến tình trạng thở nhanh, thiếu oxy máu hoặc nhiễm độc như trẻ mắc các bệnh tim, bệnh phổi bẩm sinh,…
- Trẻ thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, nhất là khói thuốc lá…
Triệu chứng trẻ bị nhiễm virus RSV
Sau khoảng vài ngày kể từ khi trẻ bị nhiễm virus RSV, các triệu chứng của bệnh sẽ bắt đầu có biểu hiện ra bên ngoài. Khoảng 1-2 ngày đầu, triệu chứng của bệnh tương tự như cảm cúm: trẻ ho, chảy mũi trong và có sốt. Khoảng 3-5 ngày sau bệnh có xu hướng nặng dần: tắc nghẹt mũi, khó thở, ho nhiều, nôn sau ho, bú kém hoặc không bú được, ngủ không yên giấc, quấy khóc nhiều, Bệnh thường nặng vào khoảng ngày thứ 3 đến ngày thứ 5. Từ khoảng ngày thứ 6-7 trở đi, bệnh nhanh chóng thuyên giảm và biến mất. Trẻ thường khỏi hoàn toàn trong vòng 2 tuần với chức năng phổi được bình phục tốt. Tuy nhiên, khò khè vẫn có thể tồn tại và kéo dài vài tuần đến vài tháng. Trong trường hợp rất nặng bệnh có thể diễn biến nặng lên nhanh chóng và kéo dài hơn thông thường, một số trường hợp nặng phải thở máy hoặc tử vong, sau khi khỏi bệnh 1 số trẻ có thể diễn biến mạn tính thành bệnh lý viêm tiểu phế quản bít tắc kéo dài hằng năm với chức năng phổi suy giảm, không thể phục hồi hoàn toàn.
Trong trường hợp trẻ bị suyễn, virus hợp bào hô hấp có thể gây ra các triệu chứng hen suyễn với mức độ nặng hơn.
Cách chẩn đoán virus hợp bào hô hấp ở trẻ
Bên cạnh việc thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể yêu cầu trẻ thực hiện một số thủ thuật y khoa khác để chẩn đoán nguyên nhân và tình trạng bệnh của trẻ:
- Xét nghiệm test nhanh phát hiện kháng nguyên, kiểm tra dịch hầu họng: độ nhạy và độ đặc hiệu trên 90%
- Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR): độ chính xác cao, có thể phát hiện thêm nhiều căn nguyên khác (nếu có).Chụp X quang phổi: kiểm tra mức độ bệnh và biến chứng viêm phổi, viêm tiểu phế quản (nếu có).
Điều trị RSV ở trẻ
Các bệnh lý ở trẻ em gây ra bởi virus hợp bào hô hấp hiện vẫn chưa có điều trị đặc hiệu, điều trị chủ yếu là hỗ trợ chống suy hô hấp:
- Oxy liệu pháp là nguyên tắc điều trị quan trọng nhất với trẻ viêm tiểu phế quản RSV.
- Bù dịch: Cho trẻ uống nước/sữa nhiều hơn để bổ sung nước và điện giải đã mất, làm loãng dịch đờm (vốn keo đặc) gây bít tắc đường thở. Trong trường hợp trẻ không thể tự uống nước, bác sĩ có thể chỉ định truyền dịch cho trẻ.
- Cho trẻ dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt cao.
- Rửa mũi, hút mũi, nhỏ mũi bằng thuốc giảm xung huyết niêm mạc, giảm tiết dịch mũi để giúp trẻ cảm thấy thoải mái, dễ thở hơn.
- Đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng theo lứa tuổi qua các bữa ăn hàng ngày.
- Thực hiện phương pháp điều trị kháng sinh nếu trẻ có dấu hiệu hoặc có bằng chứng bộ nhiễm do vi khuẩn.
- Nếu tình trạng bệnh ở trẻ trở nên nghiêm trọng, trẻ khó thở nặng, bác sĩ có thể chỉ định hỗ trợ thở oxy bằng dòng chảy cao qua ống mũi, CPAP hoặc đặt nội khí quản, cho trẻ thở máy.
- Ở trẻ bị viêm tiểu phế quản do RSV, lợi ích của thuốc giãn phế quản, corticosteroid, kháng sinh, khí dung epinephrine, chất ức chế leukotriene còn chưa rõ ràng. Các biện pháp điều trị khác như: khí dung nước muối ưu trương làm loãng đờm, vật lý trị liệu, thuốc kháng virus,… được áp dụng tùy từng trường hợp cụ thể.
Biến chứng trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp
Trẻ em có sức đề kháng và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, do đó, tình trạng trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp rất dễ trở nên tồi tệ và có nguy cơ đối mặt với biến chứng cao nếu không được chăm sóc và hỗ trợ điều trị trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp đúng cách. Một số biến chứng có thể xảy ra ở trẻ như:
- Suy hô hấp, Viêm phổi, viêm tiểu phế quản;
- Viêm tai giữa
- Hen suyễn
- Một số biến chứng hiếm gặp khác: tràn khí màng phổi, xẹp phổi, ứ khí phổi,…
Phòng ngừa nhiễm virus hợp bào hô hấp cho trẻ
Hiện vẫn chưa có vacxin phòng ngừa virus hợp bào hô hấp. Tuy nhiên, việc thực hiện lối sống lành mạnh sẽ giúp trẻ giảm nguy cơ bị lây nhiễm RSV hiệu quả. Dưới đây là một số biện pháp phòng chống và ngăn ngừa sự lây lan của virus RSV:
- Vệ sinh tay sạch sẽ cho người chăm sóc trẻ và tập cho trẻ rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch khử khuẩn, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, hắt hơi, xì mũi.
- Dùng khăn giấy che miệng, mũi khi ho và hắt hơi, sau đó vứt khăn giấy đã sử dụng và thùng rác và rửa tay sạch sẽ.
- Hạn chế cho bé tiếp xúc với những người bị sốt hoặc cảm lạnh, đeo khẩu trang chống khuẩn cho trẻ khi đi đến những nơi công cộng.
- Thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn nhà ở, khu vui chơi và đồ chơi của trẻ.
- Hạn chế cho trẻ dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác.
- Tránh cho trẻ khói bụi, nhất là khói thuốc lá.
- Cho trẻ tiêm vacxin đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
- Cho trẻ ăn uống đầy đủ, đảm bảo trẻ được cung cấp đủ chất dinh dưỡng và năng lượng để phát triển khỏe mạnh.