
Theo ước tính mới nhất từ Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS), vào năm 2024 có khoảng 67.880 ca mắc mới ung thư tử cung, trong đó có đến 13.250 phụ nữ tử vong vì căn bệnh này. Ước tính này bao gồm cả hai loại ung thư nội mạc tử cung và sarcoma tử cung. Đây là căn bệnh nguy hiểm, thường tiến triển chậm và âm thầm. Tuy nhiên, nếu chủ động trong việc phòng ngừa, tầm soát và phát hiện kịp thời, ung thư tử cung hoàn toàn có thể điều trị khỏi.
Ung thư tử cung là như thế nào?
Ung thư tử cung là bệnh lý xảy ra khi các tế bào trong mô tử cung tăng sinh bất. Điều này dẫn đến sự hình thành các khối u ác tính tại cơ quan sinh sản quan trọng của phụ nữ.
Có hai loại ung thư ở tử cung, trong đó phổ biến nhất là ung thư nội mạc tử cung, chiếm khoảng 95% các trường hợp, bắt nguồn từ lớp niêm mạc của tử cung. Loại thứ hai là ung thư cơ tử cung, phát triển từ các mô cơ của tử cung, tuy hiếm gặp hơn nhưng loại này cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Phân loại ung thư ở tử cung
Ung thư tử cung là một trong những bệnh lý ung thư phổ biến ở phụ nữ, hai dạng ung thư chính thường gặp nhất là ung thư nội mạc tử cung và sarcoma tử cung với những đặc điểm, bao gồm:
- Ung thư nội mạc tử cung
Ung thư nội mạc tử cung phát triển ở lớp niêm mạc bên trong tử cung. Đây là một trong những loại ung thư phụ khoa phổ biến nhất, ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản của người phụ nữ. Ung thư nội mạc tử cung có tỷ lệ chữa khỏi khá cao nếu được phát hiện và điều trị đúng cách ở giai đoạn đầu. Khoảng 90% bệnh nhân không tái phát ung thư sau hơn 5 năm với ung thư ở giai đoạn 1. - Sarcoma tử cung
Sarcoma tử cung phát triển trong thành cơ của tử cung, đây là loại ung thư hiếm gặp. Sarcoma tử cung thường nguy hiểm và khó điều trị hơn so với loại còn lại.
Ung thư tử cung có dấu hiệu gì?
Dấu hiệu của ung thư tử cung có thể giống với nhiều bệnh lý khác, đặc biệt là những tình trạng ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản. Ung thư nội mạc tử cung hoặc sarcoma tử cung đều có những dấu hiệu phổ biến, bao gồm: (2)
Chảy máu âm đạo bất thường, giữa chu kỳ kinh nguyệt, ra máu kéo dài;
Xuất huyết âm đạo sau mãn kinh;
Đau bụng dưới hoặc co thắt ở vùng xương chậu, ngay dưới bụng;
Dịch âm đạo mỏng, màu trắng hoặc trong suốt ở phụ nữ sau mãn kinh.
Bệnh có phổ biến hay không?
Ung thư tử cung đang trở thành một vấn đề y tế đáng lo ngại trên toàn thế giới. Trong năm 2019, có hơn 435.041 ca mắc mới và 91.640 ca tử vong do căn bệnh này. Số liệu cho thấy trong 30 năm qua, tỷ lệ mắc bệnh đã tăng hơn 15.3% mặc dù tỷ lệ tử vong đã giảm đáng kể.
Dự báo đến năm 2044, số ca mắc mới có thể vượt mốc 600.000, cho thấy mức độ phổ biến của căn bệnh này đang ngày càng gia tăng. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức, tăng cường phòng ngừa và cải thiện các phương pháp điều trị để giảm thiểu tác động của ung thư ở tử cung đối với người phụ nữ.
Nguyên nhân gây ra ung thư tử cung
Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Một nguyên nhân nào đó xảy ra khiến các tế bào trong tử cung bị thay đổi bất thường. Những tế bào đột biến này phát triển và nhân lên một cách mất kiểm soát, dẫn đến sự hình thành khối u.
Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng phát triển thành khối u ung thư, chẳng hạn như:
- Tuổi tác, lối sống và tiền sử gia đình
Tuổi tác: Càng lớn tuổi, nguy cơ phát triển ung thư tử cung tăng lên. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh xảy ra ở phụ nữ sau 50 tuổi..
Chế độ ăn giàu chất béo động vật: Một chế độ ăn nhiều chất béo có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư. Thực phẩm nhiều chất béo cũng chứa nhiều calo, dễ dẫn đến béo phì.
Tiền sử gia đình: Một số người thừa hưởng các rối loạn di truyền làm tăng nguy cơ ung thư. Những người mắc hội chứng Lynch, hoặc ung thư đại trực tràng không polyp di truyền (HNPCC), có nguy cơ cao mắc ung thư nội mạc tử cung, cùng với các loại ung thư khác. - Các tình trạng sức khỏe khác
Bệnh Tiểu đường: Đây là bệnh lý có liên quan đến nguy cơ gây ung thư.
Các bệnh lý về buồng trứng: Những người mắc khối u buồng trứng có nồng độ estrogen cao và progesterone thấp. Sự thay đổi hormone này có thể làm tăng khả năng mắc ung thư.
Béo phì (thừa cân): Một số hormone bị chuyển hóa thành estrogen trong mô mỡ, làm tăng nguy cơ ung thư tử cung. Lượng mô mỡ càng lớn, tác động đến mức estrogen càng cao. - Lịch sử kinh nguyệt và sinh sản
Kinh nguyệt sớm: Nếu bắt đầu có kinh trước 12 tuổi, nguy cơ ung thư ở tử cung có thể tăng lên do tử cung tiếp xúc với estrogen trong thời gian dài.
Mãn kinh muộn: Tương tự, nếu phụ nữ mãn kinh sau 50 tuổi, nguy cơ cũng tăng lên do tử cung tiếp xúc với estrogen lâu hơn.
Kinh nguyệt kéo dài: Số năm hành kinh có thể quan trọng hơn độ tuổi bắt đầu hoặc kết thúc chu kỳ kinh nguyệt.
Không mang thai: Những người chưa từng mang thai có nguy cơ cao hơn so với phụ nữ đã mang thai. - Các phương pháp điều trị trước đó cho các bệnh lý khác
Xạ trị vùng chậu trước đây: Xạ trị vùng chậu để điều trị các loại ung thư khác có thể làm tổn thương DNA của tế bào, tăng nguy cơ phát triển khối u ung thư ở tử cung.
Liệu pháp thay thế estrogen (ERT): Một số người sử dụng liệu pháp estrogen để giảm triệu chứng mãn kinh. Sử dụng ERT mà không có progesterone sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Sử dụng tamoxifen: Thuốc này được sử dụng trong điều trị ung thư vú, nhưng tamoxifen có thể hoạt động như estrogen trong tử cung.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi nhận thấy bản thân có những dấu hiệu bất thường liên quan đến sức khỏe sinh sản chị em cần đi thăm khám sớm. Một trong những triệu chứng cần lưu ý là chảy máu âm đạo bất thường vì dấu hiệu này có thể chỉ ra vấn đề nghiêm trọng cần được theo dõi và điều trị kịp thời. - Ngoài ra, nếu cảm thấy đau vùng chậu kéo dài, đau khi quan hệ tình dục, dịch âm đạo có mùi khác thường hoặc đổi màu trắng đục, vàng,… chị em cần liên hệ bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và tìm ra hướng điều trị phù hợp, kịp thời.
Chẩn đoán ung thư tử cung như thế nào?
Để chẩn đoán ung thư tử cung, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra lâm sàng, hỏi thăm về thông tin bệnh, tiền sử và một số triệu chứng của bệnh nhân. Để kiểm tra tử cung, bác sĩ có thể đặt hai ngón tay vào âm đạo và ấn vào bụng của người bệnh, hoặc sử dụng một dụng cụ (mỏ vịt) tách các thành của âm đạo, để quan sát tử cung. (4)
- Siêu âm vùng chậu
Siêu âm vùng chậu là kỹ thuật giúp phát hiện những vấn đề về tử cung và buồng trứng. Siêu âm vùng chậu có thể tìm ra các dấu hiệu ung thư ở tử cung.. Thời gian siêu âm thường kéo dài từ 15 đến 30 phút. Nếu phát hiện bất thường, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện thêm phương pháp sinh thiết. - Siêu âm ngả âm đạo
Đối với siêu âm qua ngả âm đạo, bác sĩ sẽ sử dụng một đầu dò đưa vào âm đạo. Thiết bị sử dụng sóng âm tần cao để thu thập, và hiển thị hình ảnh các cơ quan khác nhau ở vùng chậu của bệnh nhân qua màn hình. Qua đó, bác sĩ có thể đánh giá và phát hiện những bộ phận tổn thương ở cổ tử cung, tử cung, buồng trứng,… - Sinh thiết nội mạc tử cung
Sinh thiết nội mạc tử cung là một trong những phương pháp phổ biến, giúp chẩn đoán các vấn đề về tử cung ở phụ nữ. Bác sĩ sẽ sử dụng một ống dài, mỏng (pipelle) đưa vào âm đạo để nhẹ nhàng hút tế bào từ niêm mạc tử cung. Các tế bào này sẽ được đánh giá và kiểm tra dưới kính hiển vi. Từ đó, giúp bác sĩ chẩn đoán những vấn đề liên quan đến nội mạc tử cung của phụ nữ. - Nội soi tử cung và sinh thiết
Soi tử cung kết hợp sinh thiết giúp bác sĩ phát hiện ra các tế bào bất thường liên quan đến các vấn đề như tiền ung thư, ung thư tử cung và các tình trạng bệnh phụ khoa khác. Soi tử cung được thực hiện bằng máy soi có kính hiển vi phóng đại để quan sát tử cung mà mắt thường không thể nhìn thấy, trong khi đó sinh thiết giúp xác định tổn thương từ những dấu hiệu bất thường. Từ đó, giúp bác sĩ có những chẩn đoán chính xác hơn. - Xét nghiệm máu và nước tiểu
Xét nghiệm máu và nước tiểu có thể giúp sàng lọc ung thư. Bác sĩ có thể tìm ra những chất chỉ điểm như AFP, PSA, CEA,… và những dấu ấn ung thư tử cung ở bệnh nhân. Tuy phương pháp này không giúp xác định 100% bản chất ung thư, nhưng chúng cung cấp các thông tin quan trọng và hỗ trợ cho bác sĩ trong quá trình chẩn đoán bệnh.
Biến chứng có thể gặp phải
Biến chứng nghiêm trọng nhất của ung thư ở tử cung là tử vong. Tuy nhiên, khi được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, tiên lượng của bệnh thường rất khả quan. Ngoài ra, bệnh có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm khác, bao gồm:
- Thiếu máu: Do chảy máu hoặc thiếu hụt dinh dưỡng trong quá trình điều trị.
- Ung thư lan rộng: Ung thư có thể di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể, làm gia tăng mức độ nghiêm trọng và phức tạp của bệnh.
- Cơ thể không đáp ứng tốt với điều trị: Một số bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng với các phương pháp điều trị, dẫn đến tình trạng bệnh trở nên xấu hơn hoặc khó kiểm soát hơn.
Bệnh có chữa được không?
Ung thư nội mạc tử cung có thể chữa được nếu được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm. Đối với hầu hết phụ nữ bị ung thư tử cung, phẫu thuật là phương pháp điều trị chủ yếu. Đặc biệt khi bệnh được chẩn đoán sớm và khối u chưa lan rộng sang các bộ phận khác của cơ thể.
Hình thức điều trị phổ biến nhất là cắt bỏ tử cung và cổ tử cung. trong vài trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu cắt bỏ vòi trứng và cả buồng trứng hai bên.
Ngoài phẫu thuật, một số bệnh nhân có thể cần thêm các phương pháp điều trị khác như xạ trị, hóa trị hoặc liệu pháp hormone, tùy thuộc vào giai đoạn và loại ung thư. Điều quan trọng là bệnh nhân cần phối hợp chặt chẽ với đội ngũ bác sĩ, để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất cho tình trạng sức khỏe của mình.
Phòng ngừa ung thư tử cung
Mặc dù không thể hoàn toàn ngăn ngừa ung thư tử cung xảy ra, tuy nhiên việc thực hiện một số biện pháp sau có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, chẳng hạn như:
- Thăm khám sức khỏe phụ khoa định kỳ.
- Kiểm soát tốt bệnh tiểu đường.
- Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh với cân nặng hợp lý. Biện pháp này không chỉ tốt cho sức khỏe tổng thể mà còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ở phụ nữ.
- Thảo luận với bác sĩ về việc sử dụng các biện pháp tránh thai. Các thuốc tránh thai chứa progesterone, hoặc kết hợp estrogen và progesterone có thể cung cấp một số chất bảo vệ cơ thể, chống lại tế bào ung thư.
Nguồn tham khảo:
Website, N. (2024, October 31). Symptoms. nhs.uk. https://www.nhs.uk/conditions/womb-cancer/symptoms/
Uterine cancer (Endometrial cancer). (2024, September 9). Cleveland Clinic. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/16409-uterine-cancer
Uterine cancer | Causes, Symptoms & Treatments. (n.d.). Cancer Council. https://www.cancer.org.au/cancer-information/types-of-cancer/uterine-cancer
Uterine cancer. (2023, February 2). Yale Medicine. https://www.yalemedicine.org/conditions/uterine-cancer