
Với nguồn chất xơ và năng lượng dồi dào, đậu Hà Lan chính là loại rau xanh quen thuộc và gần gũi với mâm cơm của nhiều gia đình. Chúng mình có thể sử dụng được cả quả đậu (với những quả non, hạt còn hơi lép) hoặc hạt đậu riêng (với những quả đậu già cho hạt đậu bên trong tròn, căng) để chế biến thành rất nhiều món ăn thơm ngon, từ đơn giản như hấp, luộc, xào, nấu canh…, cho đến phức tạp hơn một xíu như là bánh, salad rau củ… Được đánh giá là “hạt kim cương xanh” cho sức khỏe, đậu Hà Lan chắc chắn cũng không thể vắng mặt trong thực đơn ăn dặm của các bạn bé.
Các bố mẹ còn đang băn khoăn về công dụng của loại thực phẩm “nhỏ mà có võ” này, hãy tham khảo bài viết dưới đây của Mầm Nhỏ nhé
🌿GIÁ TRỊ DINH DƯỠNG CỦA ĐẬU HÀ LAN ĐỐI VỚI TRẺ NHỎ
🐤1. GIÀU VITAMIN NHÓM B – TỐT CHO MẸ BẦU VÀ EM BÉ NGAY TỪ TRONG BỤNG MẸ
Đậu Hà Lan là siêu thực phẩm rất dồi dào các vitamin nhóm B. Theo TS. Bác sĩ Mary L. Rosser tại Trung tâm Y tế Montefiore (Mỹ): “Bổ sung các vitamin nhóm B giúp mẹ bầu khỏe mạnh, giúp thai nhi phát triển tốt hơn. Các vitamin nhóm B cũng góp phần chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, giúp tăng cường trao đổi chất trong thai kỳ”.
Trong đó phải kể đến 2 loại vitamin nhóm B quan trọng nhất là vitamin B6 và vitamin B9. Vitamin B6 (có hàm lượng tới 0.169mg trong 100g đậu Hà Lan) đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của não và hệ thần kinh của trẻ. Đồng thời, chúng cũng giúp khắc phục tình trạng ốm nghén cho mẹ bầu.
Vitamin B9 (axit folic) được đánh giá là loại vitamin quan trọng nhất trong thời kì mang thai. Lượng vitamin B9 ổn định trong đậu Hà Lan giúp góp phần tăng sản sinh hồng cầu, giảm nguy cơ mắc phải các khuyết tật bẩm sinh của trẻ, bao gồm nứt đốt sống và các khuyết tật ống thần kinh khác. Chính vì vậy, mẹ hãy lưu ý bổ sung loại siêu thực phẩm này ngay từ khi mang bầu nhé.
🐤2. TĂNG CƯỜNG NĂNG LƯỢNG MỖI NGÀY CHO BÉ
Các vitamin nhóm B dồi dào và phong phú trong đậu Hà Lan còn có tác dụng chuyển hóa các protein, carbohydrate (nhóm chất bột đường) và chất béo, góp phần cung cấp năng lượng cho bé mỗi ngày.
Cùng với đó, đậu Hà Lan cũng sở hữu một lượng protein khá dồi dào. 100g đậu Hà Lan chứa tới 5.42mg protein, gần tương đương với lượng protein trong 1 quả trứng gà.
🐤3. BỔ SUNG SẮT, NGĂN NGỪA TÌNH TRẠNG THIẾU MÁU Ở TRẺ NHỎ
Đối với tình trạng trẻ thiếu máu do thiếu sắt, đậu Hà Lan cũng có thể là một lựa chọn tốt để bù đắp sự thiếu hụt sắt cho cơ thể của bé (100g đậu Hà Lan có thể cung cấp tới 2.5mg sắt).
Với mẹ bầu, việc bổ sung đậu Hà Lan vào thực đơn ăn cũng góp phần làm giảm nguy cơ thiếu sắt trong suốt thai kỳ.
🐤4. THÂN THIỆN VỚI HỆ TIÊU HÓA CỦA BÉ
Đậu Hà Lan là một trong những thực phẩm giàu chất xơ, 100g đậu Hà Lan cung cấp khoảng 5.1g chất xơ. Lượng chất xơ này sẽ giúp trẻ tiêu hóa tốt, tăng cường sức khỏe đường ruột, giúp trị bệnh táo bón.
🐤5. TĂNG CƯỜNG CANXI, GIÚP XƯƠNG PHÁT TRIỂN
Nếu muốn cải thiện những vấn đề về xương cho trẻ nhỏ thì đậu Hà Lan chính là thực phẩm lý tưởng bởi loại thực phẩm này là một nguồn cung cấp vitamin K tự nhiên rất tốt cho cơ thể (100g đậu Hà Lan cung cấp khoảng 0.025mg vitamin K). Đây là một chất có khả năng kích hoạt các protein không collagen để duy trì canxi trong xương.
Trong đậu Hà Lan còn chứa tới 25mg canxi (bằng ½ lượng canxi có trong trứng gà), 33mg magie và 108 mg photpho. Đây đều là những thành phần có vai trò cực kì quan trọng trong sự phát triển của hệ cơ xương khớp cho trẻ nhỏ.
🐤6. TỐT CHO THỊ LỰC CỦA BÉ
Trung bình trẻ từ 1 – 3 tuổi cần khoảng 0.3mg vitamin A mỗi ngày, trẻ từ 4 tuổi trở lên cần khoảng 0.4 mg vitamin A mỗi ngày. Trong khi đó, 100g đậu Hà Lan có chứa tới 0.38mg vitamin A, lượng vitamin A dồi dào này có tác dụng rất tốt trong việc bảo vệ và phát triển thị lực của trẻ.
🐤7. TĂNG KHẢ NĂNG MIỄN DỊCH CỦA CƠ THỂ
Bên cạnh các vitamin nhóm B, đậu Hà Lan còn có một lượng lớn vitamin C, vitamin K, protein và khoáng chất rất tốt cho trong việc tăng cường sức đề kháng và khả năng miễn dịch.
100g đậu Hà Lan có tới 40mg vitamin C (bằng khoảng ¾ lượng vitamin C có trong 100g cam). Lượng vitamin C cũng như các hợp chất oxy hóa có vai trò tích cực trong việc làm lành vết thương, giảm các nguy cơ tấn công của các gốc tự do, tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể đối với các loại vi khuẩn, virus, nấm, kí sinh trùng, giúp tăng cường sức khỏe cho bé trong thời gian dài.
🌿NHỮNG ĐIỀU MẸ CẦN LƯU Ý KHI LỰA CHỌN VÀ CHO BÉ ĂN ĐẬU HÀ LAN
🐾Khi mua đậu Hà Lan, mẹ nên chọn những quả tươi, không sần, vỏ bóng và giòn (khi bẻ cuống). Khi mua hạt, mẹ nên chọn hạt tròn, mẩy, xanh đều. Nếu chưa sử dụng ngay, mẹ nên để nguyên hạt đậu chưa rửa trong túi buộc lỏng và bảo quản trong tủ lạnh ngăn mát. Thời gian giữ trong tủ mát có thể lên đến 4 ngày. Nếu bảo quản bằng tủ đá, thời gian bảo quản có thể lên đến 8 tháng.
🐾Để đảm bảo dinh dưỡng trong đậu không bị mất đi, mẹ chỉ nên bóc vỏ đậu vài phút trước khi chế biến thôi nhé.
🐾Với những bé ăn dặm tự chỉ huy hoặc các bạn nhỏ dưới 3 – 4 tuổi, khi cho bé ăn hạt đậu để nguyên, bố mẹ nên theo dõi và giám sát thật kĩ vì hạt đậu Hà Lan có kích thước nhỏ, hình dạng tròn, trơn, nhẵn, dễ khiến bé bị hóc, nghẹn. Chế biến đậu Hà Lan bằng cách xay nhuyễn hoặc trộn với các thực phẩm khác cũng là một gợi ý hay ho để đảm bảo an toàn cho bé yêu khi ăn đậu Hà Lan nhé.
🐾Mặc dù là loại thực phẩm được đánh giá là lành tính, nhưng đậu Hà Lan vẫn có thể gây dị ứng trong một số trường hợp. Vì vậy, mẹ nên cho bé ăn thử một lượng vừa phải để phòng tránh nguy cơ dị ứng nhé.
🌿NHỮNG MÓN ĂN SIÊU NGON CHO BÉ TỪ ĐẬU HÀ LAN
Các món ăn dặm từ đậu hà lan luôn là những món ăn bổ dưỡng được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mẹ nên nấu cho bé mỗi tuần ít nhất 1 ,2 bữa. Dưới đây là những món ăn dặm siêu đơn giản nhưng lại rất thơm ngon, bổ dưỡng, được chế biến từ đậu Hà Lan. Các mẹ hãy tham khảo cùng Mầm Nhỏ nhé:
🥗CÁC MÓN CHÁO, SÚP VỚI ĐẬU HÀ LAN XAY NHUYỄN: Dành cho bé ăn dặm từ 7-8 tháng tuổi trở lên.
Mẹ rửa sạch đậu rồi cho vào rá inox hấp cách thủy trong nồi với một ít nước. Đợi đậu chín, mẹ kiểm tra bằng cách chọc đũa, thấy hạt đậu vỡ tơi hoặc quả đậu chính mềm là đạt. Nhanh tay lấy đậu ra khỏi nồi, cho vào máy xay nghiền nhuyễn cùng một chút nước. Đậu Hà Lan nghiền nguyễn có thể cấp đông trong tủ lạnh được 3 tuần.
Đậu Hà Lan xay nhuyễn bé có thể ăn riêng hoặc mẹ kết hợp cùng một số thực phẩm xay nhuyễn khác thành các món ăn dặm kiểu Nhật hoặc ăn dặm truyền thống (như cháo thịt heo đậu Hà Lan; súp đậu Hà Lan ngô non; súp đậu Hà Lan và đậu hũ, bí ngô, tôm tươi; súp đậu Hà Lan và lòng trắng trứng; cháo thịt bò, đậu Hà Lan và bí đỏ…)
🥗ĐẬU HÀ LAN LUỘC: Với những bé ăn dặm tự chỉ huy, ở những tháng đầu, khi bé mới bắt đầu làm quen với thức ăn thô, mẹ có thể luộc cả quả đậu rồi cho bé tự bốc ăn trực tiếp.
Với bé ăn dặm từ 12 tháng tuổi trở lên, mẹ bóc vỏ hạt đậu Hà Lan và trần qua nước sôi từ 1-2 phút, sau khi thấy hạt đậu đã chín mềm mẹ có thể để đậu ra đĩa, đợi đến khi gần nguội có thể cho bé tự bốc ăn. Các bạn ở giai đoạn này đã có thể bốc nhón những hạt đậu nhỏ, chín mềm để ăn mà không lo bị hóc. Vị ngọt bùi tự nhiên cùng vị mềm của đậu sẽ hấp dẫn bé và khiến bé ăn không ngừng ngay.
🥗SALAD ĐẬU HÀ LAN: Dành cho bé ăn dặm từ 15 tháng tuổi trở lên
Nguyên liệu: trứng cút, đậu Hà Lan, hành tây, ớt chuông, đường, dấm, tiêu, dầu ô liu, xốt mayonnaise
Cách làm: Đậu Hà Lan tước xơ, rửa sạch, luộc chín tới trong nước sôi, vớt ra, ngâm nước lạnh, để ráo.
Ớt chuông rửa sạch, bỏ hạt, xắt khoanh tròn. Hành tây lột vỏ rửa sạch, xắt múi mỏng.
Trộn hành tây với đường, giấm, tiêu, dầu ô-liu cho thấm. Sau đó, vớt hành tây trộn chung với đậu Hà Lan, ớt chuông, rưới nước ngâm hành tây vào salad, trộn đều.
Cuối cùng, mẹ rưới xốt Mayonnaise lên, trộn đều và cùng bé thưởng thức nhé.
🥗KEM ĐẬU HÀ LAN KÈM BÁNH MÌ:
Nguyên liệu: sữa tươi, đậu Hà Lan nghiền nhuyễn, bột mì, bánh mì
Cách làm: Mẹ pha sẵn bột mì với một ít nước lạnh để ở ngoài.
Đun nóng bơ trong nồi, bột mì pha sẵn với một ít nước để sẵn bên ngoài. Sau đó cho sữa vào từ từ và đánh đều tay để không bị dính cục lại với nhau, đến khi nước bắt đầu sôi lên cho thêm đậu Hà Lan đã xay nhuyễn vào, khuấy đều tay.
Cuối cùng, mẹ cho bột mì vào để tạo độ sánh vừa phải nhé.
Nếu trẻ đang trong giai đoạn 6 tháng tuổi, mẹ có thể cho bé ăn như thế thôi, nhưng nếu trẻ đã qua giai đoạn ăn dặm đầu tiên 7 hoặc 8 tháng tuổi, bạn có thể cho bé ăn cùng với bánh mì mềm cầm tay nhé.
🥗BÁNH RAU CỦ
Nguyên liệu: đậu Hà Lan, khoai môn sáp, cà rốt, phô mai
Cách làm: Khoai môn, cà rốt, đậu Hà Lan sau khi hấp chín, mẹ nghiền nhuyễn và trộn đều lại với nhau. Tán thêm phô mai vào trộn cùng hỗn hợp. Nặn thành những viên vừa tay bé cầm hoặc dùng khuôn để tạo hình thù ngộ nghĩnh, sau đó áp chảo. Khi bánh chín đều các mặt thì mẹ bỏ bánh ra, để nguội một chút rồi cho bé thưởng thức nhé. Với các bạn hơi lười ăn rau một xíu thì món bánh rau củ này sẽ là một lựa chọn thay thế cực thơm ngon đấy ạ.
🌿HÀM LƯỢNG DINH DƯỠNG CÓ TRONG 100 GRAM ĐẬU HÀ LAN
Calo: 81kcal
Lipid: 0.4g
Natri: 5mg
Cacbohydrat: 14g
Chất xơ: 5.1g
Đường: 5.67g
Protein: 5.42g
Vitamin A: 0.38mg
Betacarotene: 0.449 mg
Lutein zeaxanthin: 0.25mg
Vitamin B2: 0.132mg
Vitamin B6: 0.169mg
Vitamin B9: 0.065mg
Vitamin C: 40mg
Vitamin E: 0.13mg
Vitamin K: 0.025mg
Magie: 33mg
Canxi: 25mg
Mangan: 0.41mg
Photpho: 108mg