
Giảm tiểu cầu miễn dịch (ITP) là tình trạng rối loạn chảy máu thường không dẫn đến thiếu máu hoặc giảm bạch cầu. Thông thường, nó là mạn tính ở người lớn, nhưng thường là cấp tính và tự hạn chế ở trẻ em. Không có lách to nếu không có các bệnh nền khác. Chẩn đoán thường dựa trên lâm sàng, dựa trên việc loại trừ các nguyên nhân khác gây giảm tiểu cầu (ví dụ, nhiễm HIV, nhiễm viêm gan C). Điều trị bao gồm corticosteroid, cắt lách, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc chủ vận thụ thể thrombopoietin hoặc thuốc ức chế tyrosine kinase lách fostamatinib. Đối với chảy máu đe dọa tính mạng, truyền khối tiểu cầu, corticosteroid đường tĩnh mạch, truyền globulin miễn dịch, globulin miễn dịch có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp.
Nguyên nhân giảm tiểu cầu khi mang thai
Khi mang thai, phụ nữ thường bị giảm tiểu cầu do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể kể đến như:
1. Giảm tiểu cầu thai kỳ thường gặp
Giảm tiểu cầu thai kỳ là một tình trạng lành tính với mức giảm tiểu cầu vừa phải (số lượng tiểu cầu 130-150.000/µL) trong hầu hết các trường hợp. Tình trạng này thường xảy ra vào nửa sau của thai kỳ, không có triệu chứng, không có tiền sử giảm tiểu cầu trước thai kỳ và số lượng tiểu cầu sẽ hồi phục trở lại mức bình thường trong vòng hai tháng đầu sau sinh. Trong trường hợp này, thai phụ chỉ cần theo dõi định kỳ bằng xét nghiệm máu, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và không cần quá lo ngại về những vấn đề tiềm ẩn liên quan đến sức khỏe thai nhi.
2. Giảm tiểu cầu do bệnh ban xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch
Giảm tiểu cầu khi mang thai do bệnh ban xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch có thể xảy ra ở mọi thời điểm trong thai kỳ. Tình trạng thường ở mức độ vừa phải, số lượng thường dưới 100.000/µL. Bệnh nhân có thể hoàn toàn không có triệu chứng, hoặc một số trường hợp có biểu hiện chấm xuất huyết, ban xuất huyết dưới da, bầm da rải rác, một số trường hợp tiểu cầu giảm nặng gây chảy máu nướu răng, chảy máu niêm mạc mũi, niêm mạc đường tiêu hóa…
3. Giảm tiểu cầu liên quan đến các rối loạn tăng huyết áp
Giảm tiểu cầu liên quan đến các rối loạn tăng huyết áp chẳng hạn như: tiền sản giật, sản giật, hội chứng HELLP, gan nhiễm mỡ cấp tính khi mang thai…Đây cũng là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây giảm tiểu cầu khi mang thai. Bên cạnh đó, giảm số lượng tiểu cầu cũng là dấu hiệu cảnh báo cho tình trạng tăng huyết áp nghiêm trọng. Ở một số trường hợp nặng, tiểu cầu có thể giảm thấp, xuống dưới 20.000/μL.
Triệu chứng giảm tiểu cầu của phụ nữ mang thai
Tình trạng tiểu cầu giảm khi mang thai thường không có triệu chứng. Nếu thai phụ nhận thấy xuất hiện một số triệu chứng sau thì tình trạng tiểu cầu thấp có thể là do các nguyên nhân bệnh lý khác:
- Chảy máu nướu răng, đặc biệt là khi dùng chỉ nha khoa hoặc đánh răng.
- Chảy máu mũi.
- Xuất huyết dưới da (những đốm đỏ xuất hiện dưới da).
- Dễ bầm tím.
- Mệt mỏi.
- Nước tiểu hoặc trong phân có lẫn với máu.
- Chẩn đoán tình trạng giảm tiểu cầu thai kỳ
- Giảm tiểu cầu thường được coi là “do thai” trong trường hợp sản phụ không có tiền sử giảm tiểu cầu trong quá khứ (ngoại trừ trong những lần mang thai trước) và thường không gây ảnh hưởng đến thai nhi.
Giảm tiểu cầu thai kỳ thường xuất hiện từ khoảng giữa thai kỳ, diễn tiến nghiêm trọng hơn vào giai đoạn cuối, sau đó có xu hướng tự cải thiện trong vòng một đến hai tháng sau khi sinh. Do đó, bác sĩ thường trao đổi với sản phụ để loại trừ các nguyên nhân khác gây giảm tiểu cầu trước khi chẩn đoán tình trạng này.
Số lượng tiểu cầu bình thường dao động từ 150.000 – 450.000/µL. Giảm tiểu cầu được định nghĩa khi số lượng tiểu cầu thấp hơn 150.000/µL. Nếu số lượng tiểu cầu của thai phụ giảm xuống dưới 100.000/µL [2], bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm khác để chẩn đoán nguyên nhân chính xác.
Nguyên nhân phổ biến thứ hai gây giảm tiểu cầu trong thai kỳ là giảm tiểu cầu miễn dịch, có thể xảy ra mọi lúc và thường gặp ở khoảng 3% phụ nữ mang thai. Khả năng này sẽ cao hơn nếu số lượng tiểu cầu giảm xuống dưới 100.000/µL.
Điều trị tình trạng giảm tiểu cầu khi mang thai
Hầu hết thai phụ bị giảm tiểu cầu khi mang thai không cần điều trị, chỉ cần thăm khám bác sĩ và tuân thủ theo chỉ dẫn, theo dõi định kỳ bằng xét nghiệm máu. Bác sĩ có thể khuyên phụ nữ mang thai tích cực bổ sung thực phẩm giàu folate và vitamin B12 để hỗ trợ sản xuất tiểu cầu, bao gồm:
- Socola đen.
- Rau lá xanh đậm, chẳng hạn như rau chân vịt, cải xoăn…
- Thịt bò nạc và gan bò.
- Đậu đen và đậu lăng.
- Trứng.
- Ngũ cốc.
- Sản phẩm giàu vitamin C, chẳng hạn như cam, ớt đỏ…
Ngoài ra, các loại cá béo, đặc biệt là cá hồi cũng rất giàu hàm lượng vitamin B12, giúp thúc đẩy sản xuất tiểu cầu. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai nên hạn chế ăn hải sản bởi hàm lượng thủy ngân trong nhóm thực phẩm này có thể rất cao, không tốt cho sức khỏe mẹ và bé. Để hiểu hơn về nhu cầu dinh dưỡng và các loại thực phẩm nên dùng khi mang thai, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn chính xác.
Bệnh nhân mắc chứng tăng huyết áp cần được theo dõi sát sao, có thể phải sinh sớm để giảm nguy cơ tổn thương tim mạch. Sau khi sinh, số lượng tiểu cầu thường trở lại bình thường trong vòng vài ngày.
Trường hợp tiểu cầu thấp khi mang thai do các tình trạng miễn dịch như ban xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch có thể cần điều trị bằng steroid hoặc immunoglobulin (kháng thể). Phương pháp này giúp bảo vệ tiểu cầu khỏe mạnh khỏi sự tấn công của hệ thống miễn dịch. Trong những trường hợp hiếm gặp và nghiêm trọng, kém hoặc không đáp ứng với thuốc, bác sĩ có thể chỉ định cắt lách trong thời kỳ mang thai.
Làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng thiếu tiểu cầu khi mang thai
Giảm tiểu cầu thai kỳ thường là một phần tự nhiên trong giai đoạn mang thai nên rất khó phòng ngừa. Phụ nữ có tiền sử bị giảm tiểu cầu thai kỳ thường có xu hướng tái phát trong những lần mang thai kế tiếp. Hầu hết những trường hợp này đều là lành tính, không gây ra các vấn đề nghiêm trọng hoặc lâu dài nào cho sức khỏe mẹ và thai nhi, thường cải thiện ngay sau khi sinh.
Nếu số lượng tiểu cầu trong máu giảm xuống dưới mức 80.000/µL, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý khác, sản phụ cần xét nghiệm để xác định nguyên nhân chính xác và có kế hoạch điều trị hiệu quả.
Câu hỏi thường gặp
Một số thắc mắc thường gặp về tình trạng giảm tiểu cầu ở phụ nữ mang thai:
1. Sự khác nhau giữa giảm tiểu cầu thai kỳ (GT) với ban xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch (ITP) là gì?
Ban xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch là một dạng rối loạn miễn dịch, xảy ra khi các kháng thể chống lại glycoprotein của tiểu cầu, kích thích quá trình phá hủy tiểu cầu ở lá lách. Bệnh lý tiểu cầu này được chia làm hai dạng:
Dạng cấp tính: Thường gặp ở trẻ em, thường có liên quan với tình trạng nhiễm siêu vi.
Dạng mạn tính: Chủ yếu xảy ra ở nữ giới.
Hầu hết phụ nữ mang thai mắc ban xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch đều có tiền sử giảm tiểu cầu trước khi mang thai, hoặc có biểu hiện của các bệnh lý miễn dịch khác. Số lượng tiểu cầu không tự cải thiện sau sinh, cần được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch như steroid hoặc globulin miễn dịch truyền tĩnh mạch.
Giảm tiểu cầu khi mang thai là một tình trạng lành tính với mức giảm tiểu cầu vừa phải (số lượng tiểu cầu 130-150.000/µL) trong hầu hết các trường hợp. Tình trạng này không có triệu chứng, thường xảy ra vào nửa sau của thai kỳ, không có tiền sử giảm tiểu cầu ngoài thai kỳ và số lượng tiểu cầu tự nhiên trở lại mức bình thường trong vòng hai tháng đầu sau sinh. Trong trường hợp này, thai phụ chỉ cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ, khám thai định kỳ và theo dõi bằng xét nghiệm máu.
2. Tình trạng giảm tiểu cầu khi mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Tình trạng giảm tiểu cầu khi mang thai do giảm tiểu cầu thai kỳ là lành tính và không ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân do các bệnh lý như ban xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch thì sức khỏe thai nhi có nguy cơ bị ảnh hưởng.
3. Bà bầu giảm tiểu cầu nên ăn gì?
Bà bầu bị giảm tiểu cầu nên bổ sung các loại thực phẩm giàu folate và vitamin B12 để hỗ trợ sản xuất tiểu cầu, chẳng hạn như: socola đen, rau lá xanh đậm (rau chân vịt, cải xoăn…), thịt bò nạc và gan bò, đậu đen, đậu lăng…
4. Giảm tiểu cầu khi mang thai có nguy hiểm không?
Giảm tiểu cầu khi mang thai là tình trạng lành tính, không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân do bệnh miễn dịch, các kháng thể phá hủy tiểu cầu có thể đi qua nhau thai, gây hại cho sức khỏe thai nhi. Mẹ bầu cũng phải đối mặt với nguy cơ chảy máu nhiều hơn khi sinh thường hoặc sinh mổ, thậm chí xảy ra nhiều vấn đề nguy hiểm khác.