
👀Có thể các bố mẹ không biết, tuy là loại thực phẩm rất dễ kiếm và rẻ tiền, không được nhiều người chú ý nhưng cà tím mang trong mình một lượng siêu dồi dào các hợp chất phenolic, chlorogenic acid, giúp nâng cao khả năng kháng khuẩn, kháng virus cho cơ thể. Với trẻ nhỏ đang trong quá trình ăn dặm, các món ăn được chế biến từ cà tím không chỉ thơm ngon, mà còn có vai trò cung cấp và cân bằng nhiều giá trị dinh dưỡng.
👀Ăn cà tím như thế nào cho khỏi độc mà lại khai thác được tối đa những công dụng dinh dưỡng, bổ sung cà tím vào thực đơn ăn dặm của bé như thế nào, lựa chọn và chế biến cà tím ra sao… Tất cả những băn khoăn về loại thực phẩm này sẽ được giải đáp trong bài viết của Mầm Nhỏ ngay sau đây, bố mẹ cùng theo dõi nhé.
🌼GIÁ TRỊ DINH DƯỠNG CỦA CÀ TÍM ĐỐI VỚI TRẺ NHỎ
🍆1. VAI TRÒ TÍCH CỰC TRONG VIỆC KHÁNG KHUẨN, KHÁNG VIRUS, TĂNG CƯỜNG SỨC KHỎE TOÀN DIỆN
Cà tím là nguồn cung cấp ổn định các chất chống oxy hóa như vitamin C (100g cà tím chứa 2.2mg vitamin C), mangan (100g cà tím chứa 0.3mg mangan)…, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Sự hiện của các chất oxy hóa này và cả các chất dinh dưỡng thực vật trong cà tím là lý do quan trọng giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp kháng khuẩn, kháng virus cho trẻ nhỏ.
Bên cạnh đó, cà tím cũng chứa nhiều kali có khả năng kích thích nhịp tim hoạt động tốt.
Lượng chất magie phong phú (14mg magie/100g cà tím) sẽ khiến bé đi vào ngủ ngon hơn, sâu hơn.
Cà tím cung cấp một lượng lớn B1 và vitamin B6, 2 trong số các vitamin góp phần quan trọng trong quá trình trao đổi chất. Vitamin B hòa tan trong nước và cần thiết để duy trì mức năng lượng khỏe mạnh, tăng cường phát triển trí não, tăng cường sự trao đổi chất, sức khỏe tim mạch và sự tập trung. Vitamin B cũng cần thiết để hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thực phẩm trẻ ăn, chuyển hóa chất béo và carbohydrate thành “nhiên liệu” cho cơ thể. Bên cạnh đó, các chất dinh dưỡng và chất oxy hóa có trong cà tím giúp bé nhớ lâu và phát triển nhanh tư duy phân tích.
🍆2. GIÀU CHẤT XƠ, TỐT CHO HỆ TIÊU HÓA
Do hàm lượng chất xơ cao và lượng carbohydrate hòa tan thấp, cà tím là thực phẩm khá thân thiện với hệ tiêu hóa. Cà tím có chứa lượng nước và chất xơ cao, đó là lý do tại sao thực phẩm này có chứa ít calo. Tiêu thụ loại thực phẩm có hàm lượng nước, chất xơ và chất dinh dưỡng cao sẽ giúp cơ thể thải độc hiệu quả và tăng chức năng đường tiêu hóa, giảm táo bón ở trẻ nhỏ.
Với người lớn, cà tím còn được dùng như một biện pháp hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày và chữa đau bụng do tiêu hóa.
🍆3. GIÚP XƯƠNG BÉ CHẮC KHỎE
Trong 100g cà tím cung cấp tới 3.5mg vitamin K (gấp khoảng 7.3 lần lượng vitamin K có trong cải bó xôi). Lượng vitamin K này có vai trò giúp xương bé trở nên chắc khỏe. Ngoài ra, chúng còn giúp hỗ trợ quá trình hình thành xương, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hấp thụ canxi của xương.
Cà tím cung cấp khoảng 3-5% nhu cầu mangan hàng ngày cho cơ thể trẻ. Mangan là một khoáng chất tự nhiên có thể tự tái tạo trong cơ thể với một lượng nhỏ, lượng cần thiết còn lại phải được lấy từ chế độ ăn lành mạnh. Chất này cũng góp phần hình thành cấu trúc xương khỏe mạnh vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành khoáng hóa xương và sự trao đổi chất. Mangan cần thiết để chuyển hóa canxi, tạo ra các enzyme thiết yếu cho việc hình thành xương chắc khỏe.
Lượng canxi, sắt, kali trong cà tím cũng khá ổn định. Đây đều là những khoáng chất thiết yếu tham gia vào quá trình tổng hợp và hấp thụ canxi của cơ thể, để giúp cho xương bé phát triển và chắc khỏe ngay từ những năm tháng đầu đời.
🍆4. HÀM LƯỢNG SẮT ĐÁNG KỂ, HẠN CHẾ TÌNH TRẠNG THIẾU MÁU CỦA TRẺ NHỎ
Lượng sắt trong cà tím góp phần giảm nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, lượng đồng tự nhiên có trong cà tím cũng là một thành phần cần thiết cho các tế bào hồng cầu trong cơ thể.
🌼NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG CÀ TÍM TRONG THỰC ĐƠN ĂN DẶM CỦA BÉ
🐾Trong cà tím có chứa một chất gọi là solanine, có tác dụng chống oxy hóa và ức chế tế bào ung thư nhưng cũng có tác dụng kích thích mạnh mẽ lên các trung tâm hô hấp, có tác dụng gây mê. Để giảm chất này, khi chế biến bố mẹ nên cho thêm chút giấm sẽ thúc đẩy sự phân hủy của solanine, hạn chế những tác dụng phụ không mong muốn.
Trong cà tím còn chứa một lượng nicotine cao hơn bất kỳ loại trái khác, với nồng độ 0,01mg/100g. Bố mẹ chỉ nên cho bé ăn cà tím khoảng 1-2 lần/ tuần, mỗi lần chỉ khoảng 50g bằng cách nấu các món ăn đơn giản, kết hợp với các loại thực phẩm khác, không nên để bé ăn chỉ riêng mỗi cà tím.
🐾Độ tuổi thích hợp để các mẹ bắt đầu tập cho bé ăn cà tím là từ 8 đến 10 tháng tuổi. Khi chọn mua quả cà tím, bố mẹ nên chọn những quả có vẻ ngoài mịn, sáng bóng, màu tươi, quả có cuống tươi màu xanh, khi ấn nhẹ tay vào quả cà có độ đàn hồi, không bị héo. Cà tím có thể bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ khoảng 10 độ C. Nếu đã gọt vỏ rồi thì phải sử dụng ngay, không nên cho vào tủ lạnh để sử dụng lần sau vì sẽ không đảm bảo được lượng nước trong cà tím, độ ngon và giòn cũng mất dần.
Trong quá trình sơ chế, bố mẹ nên ngâm cà qua nước pha muối và sau đó rửa lại. Việc này sẽ làm miếng cà mềm hơn và loại bỏ gần hết vị đắng của cà, làm cho món ăn ngon hơn.
🐾Khi đun ở nhiệt độ quá cao, cà tím sẽ thất thoát nhiều chất dinh dưỡng. Thậm chí, cách chế biến chiên có thể làm hao hụt đến 50% lượng vitamin trong cà tím.
Ngoài ra, trong cà tím còn chứa một loại protein và một số chất chuyển hóa có tác dụng như một loại histamin hàm lượng cao (histamin là một trong những chất trung gian giữ vai trò quan trọng trong sốc phản vệ và phản ứng dị ứng). Trong một số trường hợp, đây là nguyên nhân gây ra hiện tượng dị ứng, ngứa ở ngoài da và miệng. Bố mẹ nên thử một lượng rất nhỏ và cần nấu chín kỹ cà tím trước khi cho bé ăn.
🐾Vỏ cà tím chứa rất nhiều vitamin nhóm B và vitamin C có lợi cho sức khỏe, vì vậy chúng ta có thể để nguyên cả vỏ để chế biến nhé.
🐾Theo y học cổ truyền, cà tím có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng mát gan, lợi mật, nhuận tràng. Khi chế biến cà tím không nên phối hợp với thức ăn lạnh khác mà còn nên thêm vài ba lát gừng để giảm tính lạnh. Với những người đang bị đi ngoài lỏng, tiêu chảy thì không nên ăn cà tím vì sẽ dễ làm trầm trọng thêm các vấn đề về tiêu hóa.
Cà tím cũng không phù hợp với những trẻ đang bị hen suyễn, hoặc đang có vấn đề về sức khỏe như ốm, mệt.
🌼NHỮNG MÓN ĂN DẶM ĐƠN GIẢN ĐƯỢC CHẾ BIẾN TỪ CÀ TÍM
🍆CÀ TÍM HẤP: Dành cho bé từ 8 tháng trở lên
Khi mới bắt đầu cho bé ăn cà tím, cách chế biến đơn giản và dễ ăn nhất là mẹ hấp chín cà tím cho bé, thái lát lỏng mềm (với những bé đang tập bốc) hoặc thái hạt lựu (với những bé đang tập nhón) rồi cho bé tự dùng tay bốc/nhón để ăn. Tuy nhiên, bố mẹ lưu ý chỉ cho bé ăn một lượng nhỏ và kết hợp với những loại thực phẩm khác để bé lựa chọn nhé.
🍆CÀ TÍM NƯỚNG PHO MÁT: Dành cho bé từ 9 tháng trở lên
Cà tím cũng rất thích hợp để mẹ chế biến món cà tím nướng pho mát. Mẹ có thể lấy cà tím sạch, cắt thành những lát vừa ăn.
Phết lên hai mặt cà tím một lớp dầu oliu.
Xếp cà tím vào khay nướng, rắc lên mặt pho mát viên dành cho trẻ ăm dặm.
Nướng trong lò ở nhiệt độ 190 độ C trong 10 phút.
🍆CHÁO CÀ TÍM THỊT NẠC: Dành cho bé từ 10 tháng trở lên
Sau khi mẹ nấu nồi cháo thịt băm cho bé, có thể cắt nhỏ hoặc xay nhuyễn cà tím đã hấp chín rồi cho vào nồi cháo thịt. Bé ăn sẽ thấy vị ngọt của cà và vị ngon đậm của cháo, chắc chắn các bé sẽ rất ngon miệng.
🍆CÀ TÍM XÀO TRỨNG: Dành cho bé từ 15 tháng trở lên
Nguyên liệu: cà tím, trứng gà, hành lá
Chế biến: Cà tím rửa sạch, cắt theo chiều dọc rồi ngâm vào âu nước lạnh cho ra hết nhựa.
Chuẩn bị nồi nước sôi, cho thêm vài hạt muối và 1 muỗng canh dầu ăn rồi thả cà vào luộc trong khoảng 5 phút rồi vớt ra, để nguội.
Dùng dao nhọn lột vỏ ngoài của cà ra, xé nhỏ theo chiều dài thành những miếng vừa ăn.
Chuẩn bị chảo dầu nóng rồi trút cà tím vào đảo đều.
Trứng gà đập ra bát, đánh tan, nêm chút bột nêm.
Trút trứng gà vào chảo cà tím xào cùng, chờ trứng chín thì bố mẹ rắc hành lá cắt nhuyễn rồi tắt bếp.
🍆CÀ TÍM CUỘN TÔM CHIÊN GIÒN: Dành cho bé từ 2 tuổi trở lên
Nguyên liệu: cà tím, thịt heo muối, tôm, trứng, bột chiên giòn, cà chua bi, bánh mì sandwich
Chế biến: Cà chua bi rửa sạch, cắt đôi. Cà tím rửa sạch, để ráo, cắt làm 8 miếng mỏng chừng 3mm. Tôm lột vỏ, chừa đuôi rồi rút bỏ chỉ đen ở lưng.
Xếp chồng lên nhau theo thứ từ: 1 lát cà tím, 1 lớp thịt heo muối, 1 con tôm, rắc chút muối, tiêu, rồi cuộn tròn lại chặt tay, ghim cố định bằng 1 que tăm.
Rải bột chiên giòn ra đĩa. Đánh trứng tan đều, nhúng cuốn cà tím vào trứng rồi lăn qua bột chiên giòn.
Làm nóng dầu ăn trong nồi chiên hoặc chảo sâu lòng với lửa vừa, đợi dầu nóng cho từng cuốn cà vào chiên vàng đều thì vớt ra rổ cho ráo dầu.
Cắt bánh mì sandwich thành từng miếng tam giác với kích cỡ tương đương kích cỡ miếng cà tím cuộn tôm.
Cuối cùng, mẹ trang trí bằng cách đặt phết 1 lớp xốt mayonnaise lên bánh mì, đặt lên 1 cuốn cà tím, trên cùng găm nửa quả cà chua bi. Vậy là món cà tím cuộn tôm chiên giòn cho bé đã hoàn thành.
🌼HÀM LƯỢNG DINH DƯỠNG CÓ TRONG 100G CÀ TÍM
Carbohydrate: 5.7g
Chất xơ: 3.4g
Đường: 2.4g
Vitamin A: 0.16mg
Vitamin C: 2.2mg
Vitamin E: 0.3mg
Vitamin K: 3.5mg
Vitamin B3: 0.6mg
Vitamin B5: 0.3mg
Vitamin B6: 0.1mg
Vitamin B9: 0.22mg
Canxi: 9mg
Sắt: 0.2mg
Magie: 14mg
Photpho: 25mg
Kali: 230mg
Natri: 2mg
Kẽm: 0.2mg
Đồng: 0.1mg
Mangan: 0.3m