
Viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh là gì?
Viêm tiểu phế quản (Bronchiolitis) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới do virus gây ra, phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, gây ra tình trạng sưng, kích ứng và tích tụ dịch nhầy ở tiểu phế quản. Các virus này xâm nhập vào đường hô hấp và lan xuống tiểu phế quản, gây hoại tử biểu mô và tạo phản ứng viêm. Điều này khiến các ống thở nhỏ của phổi (tiểu phế quản) sưng lên, làm cản trở quá trình lưu thông không khí qua phổi, khiến trẻ bị khó thở.
Trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh, đường thở nhỏ, dịch nhầy dễ tích tụ gây tắc nghẽn đường thở. Vì vậy, trẻ ở độ tuổi này thường dễ mắc bệnh viêm tiểu phế quản hơn những trẻ lớn. Theo thống kê, tỷ lệ trẻ bị viêm tiểu phế quản trong năm đầu đời lên đến 11%.
Hầu hết các ca mắc viêm tiểu phế quản phổ biến vào điều kiện môi trường mát mẻ, thường là mùa đông hoặc đầu xuân. Theo đó, từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm là khoảng thời gian các ca viêm tiểu phế quản tăng cao, đỉnh điểm nhất là tháng 1 và tháng 2.
Triệu chứng viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh
Viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh bắt đầu với các triệu chứng giống như cảm lạnh thông thường với các biểu hiện như:
Sổ mũi;
Nghẹt mũi;
Ho;
Thở khò khè, nhịp thở nhanh;
Bỏ bú, chán ăn;
Nôn mửa;
Đôi khi hơi sốt.
Một số trẻ sơ sinh bị viêm tiểu phế quản cũng có thể bị nhiễm trùng tai. (1)
Sau đó, các triệu chứng sẽ trở nên nghiêm trọng, gây khò khè, đôi khi khó thở ở trẻ. Hầu hết, các triệu chứng của viêm tiểu phế quản thường kéo dài từ 1 đến 2 tuần hoặc có thể lâu hơn.
Trẻ sơ sinh nào có nguy cơ cao bị viêm tiểu phế quản?
Viêm tiểu phế quản có thể xảy ra ở mọi trẻ nhưng một số trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, cụ thể như sau:
Trẻ dưới 2 tuổi (đặc biệt là dưới 6 tháng tuổi);
Trẻ sinh non, nhẹ cân;
Trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ;
Trẻ có bệnh bẩm sinh về tim hoặc phổi;
Trẻ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá, khói bụi;
Trẻ đi nhà trẻ (tiếp xúc với nhiều trẻ khác);
Trẻ bị suy giảm miễn dịch;
Trẻ từng mắc các bệnh do virus gây ra như viêm họng, viêm amidan,…
Trẻ đang sống trong vùng có dịch bệnh về đường hô hấp do RSV gây ra;
Trẻ sống trong môi trường đông đúc.
Biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải ở trẻ sơ sinh khi bị viêm tiểu phế quản
Mặc dù nhiều trẻ có thể tự khỏi khi bị viêm tiểu phế quản, nhưng một số trẻ có nguy cơ cao nếu không được can thiệp kịp thời có khả năng dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, cụ thể như:
Ngừng thở (thường xảy ra ở trẻ dưới 2 tháng tuổi);
Suy hô hấp cấp, rối loạn chức năng hô hấp;
Tràn khí màng phổi;
Viêm phổi;
Xẹp phổi, ứ khí phổi,
Viêm tai giữa;
Hen phế quản;
Có thể bạn quan tâm: viêm tiểu phế quản bội nhiễm ở trẻ sơ sinh.
Nguyên nhân viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh
Theo các chuyên gia y tế, hơn 90% trường hợp nhập viện do viêm tiểu phế quản ở trẻ được xác định do virus gây ra, trong đó virus hợp bào hô hấp (RSV) chiếm tới 50 – 75%. Ngoài ra, viêm tiểu phế quản cũng do nhiều tác nhân gây bệnh khác gây ra như virus cúm, adenovirus (ADV),..
- Do virus hợp bào hô hấp RSV
Virus hợp bào hô hấp (RSV) là loại virus RNA sợi đơn, không phân đoạn, âm tính, có vỏ bọc thuộc họ paramyxovirus. RSV có khả năng lây lan qua tiếp xúc chất nhầy hoặc nước bọt của người nhiễm bệnh (các giọt bắn tạo ra khi ho, hắt hơi hoặc thở khò khè). Theo thống kê, RSV là nguyên nhân phổ biến gây bệnh đường hô hấp ở trẻ nhỏ và là tác nhân gây ra hơn 50.000 ca nhập viện mỗi năm ở trẻ dưới 5 tuổi tại Hoa Kỳ.
RSV sau khi xâm nhập vào niêm mạc mũi, họng, kết mạc của trẻ sẽ nhanh chóng lan vào đường hô hấp và tiến tới các phế quản, tiểu phế quản, gây hoại tử tế bào biểu mô đường hô hấp. Hậu quả là gây tắc nghẽn đường thở do tích tụ chất nhầy và các mảnh vụn tế bào. (2)
Thông thường các ca viêm tiểu phế quản do nhiễm RSV không quá nghiêm trọng, nhưng các trẻ có yếu tố nguy cơ cao như sinh non, hệ miễn dịch suy yếu có thể để lại các biến chứng nghiêm trọng.
Xem thêm: Các dấu hiệu nhiễm RSV ở trẻ sơ sinh mẹ dễ nhận biết.
- Do virus Adeno
Virus Adeno type 3, 7 và 21 là các tác nhân gây bệnh chiếm đến 10% trong số các trường hợp gây ra bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ. Thông thường, viêm tiểu phế quản do adenovirus gây ra có bệnh cảnh nặng hơn, khả năng diễn tiến thành viêm tiểu phế quản tắc nghẽn (obliterative bronchiolitis) khá cao. - Do virus cúm A và B
Các loại virus cúm A và B cũng là 1 trong các nguyên nhân phổ biến gây viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh, chiếm khoảng 25% trong các trường hợp mắc bệnh. Virus cúm gây ra các tình trạng viêm nhiễm ở cổ họng, mũi và cổ họng, đặc biệt tấn công đến trẻ vì hệ miễn dịch còn non yếu. Bênh cạnh đó, virus á cúm parainfluenza cũng có khả năng gây viêm tiểu phế quản ở trẻ. - Các yếu tố gây bệnh khác
Bên cạnh RSV, Adenovirus, virus cúm, viêm tiểu phế quản còn gây ra bởi một số loại virus gây bệnh đường hô hấp khác như: Rhinovirus, metapneumovirus, virus corona,…
Đặc biệt, khói thuốc lá cũng là tác nhân gây bệnh viêm tiểu phế quản phổ biến. Khói thuốc lá khi trẻ hít vào có thể làm giảm vận động của các lông chuyển ở tế bào niêm mạc phế quản, làm tăng tiết dịch nhầy, kích thích bạch cầu đa nhân giải phóng men tiêu protein, gây co thắt phế quản.
Ngoài ra các yếu tố môi trường như ô nhiễm, khói bụi, chất lượng không khí giảm cũng khiến trẻ dễ tiếp xúc với các virus gây bệnh, từ đó nguy cơ mắc bệnh viêm tiểu phế quản cũng cao hơn.
Khi nào nên đưa bé đến gặp bác sĩ để chẩn đoán và điều trị?
Thông thường, viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh vẫn có thể chăm sóc sức khỏe tại nhà. Tuy nhiên, trong trường hợp các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, phụ huynh cần đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Một số triệu chứng cảnh báo nguy hiểm ở trẻ viêm tiểu phế quản mà bố mẹ cần đặc biệt lưu ý như sau:
Khó thở và không thể nói (hoặc khóc);
Không uống đủ nước;
Bỏ bú, chán ăn;
Dễ cáu gắt, quấy khóc;
Có dấu hiệu mất nước (khô môi, khô miệng, khóc không có nước mắt, không đi tiểu;
Thở nhanh khi ăn hoặc uống (ở trẻ sơ sinh, tốc độ nhịp thở có thể lên tới 60/ phút, nhịp thở thường ngắn và nông);xương sườn dường như bị lõm khi hít vào;
Khò khè;
Sốt cao;
Mệt mỏi, di chuyển chậm chạp. (1)
Triệu chứng khẩn cấp ở trẻ sơ sinh
Một số triệu chứng viêm tiểu phế quản khẩn cấp ở trẻ sơ sinh cần được thăm khám bác sĩ nhanh chóng như:
Trẻ có da, môi xanh xao do lượng oxy thấp;
Không uống nước, có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng;
Sốt cao liên tục, kéo dài không có dấu hiệu thuyên giảm;
Ngủ li bì, khó đánh thức.
Đặc biệt, đối với các trẻ có nguy cơ cao như trẻ sinh non, nhẹ cân, có bệnh bẩm sinh, hệ thống miễn dịch suy yếu,… nếu có biểu hiện của viêm tiểu phế quản, bố mẹ cần khẩn trương đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp kịp thời.
Cách chẩn đoán bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ
Quá trình chẩn đoán bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh sẽ bắt đầu bằng việc bác sĩ khám lâm sàng cho trẻ. Lúc này, bố mẹ cần cung cấp thông tin về tiền sử bệnh của trẻ một cách chi tiết như:
Các triệu chứng của trẻ là gì?
Trẻ có sốt không? Trẻ bắt đầu ho, sổ mũi từ khi nào?…
Trẻ có tiếp xúc với môi trường khói thuốc lá, khói bụi nhiều không?
Trong gia đình hay những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ có ai đang mắc bệnh viêm tiểu phế quản không?
Lịch sử bệnh lý của trẻ (có mắc các bệnh lý bẩm sinh hay nằm trong nhóm trẻ có nguy cơ mắc bệnh viêm tiểu phế quản nặng không?)
Sau đó, bác sĩ sẽ khám lâm sàng để xác định tình hình bệnh trạng của trẻ cũng như phân định triệu chứng bệnh với các bệnh lý dễ nhầm lẫn khác như viêm phổi, hen suyễn, ho gà,… Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm khác để việc chẩn đoán được chính xác hơn, bao gồm:
Chụp X-quang ngực;
Xét nghiệm máu để kiểm tra lượng oxy và bạch cầu;
Đo oxy xung (hay đo SpO2);
Xét nghiệm PCR;
Xét nghiệm CRP.
Phương pháp điều trị bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh
Hiện bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, phương pháp điều trị sẽ hướng đến làm thuyên giảm và điều trị triệu chứng bệnh. Thông thường, các biện pháp điều trị sẽ dựa vào các yếu tố như độ tuổi, thể trạng và mức độ nghiêm trọng triệu chứng của trẻ mắc bệnh.
Đa số trẻ mắc bệnh viêm tiểu phế quản sẽ được chỉ định điều trị tại nhà, một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng sẽ phải điều trị nội trú tại bệnh viện. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp y tế để hỗ trợ điều trị triệu chứng như:
Truyền dịch tĩnh mạch để bù nước trong trường hợp trẻ mất nước nghiêm trọng và không chịu uống nước;
Sử dụng máy thở để hỗ trợ ổn định nhịp thở;
Hút dịch nhầy từ mũi, miệng để thông thoáng đường thở;
Uống thuốc hạ sốt, giảm đau,…
Cách hỗ trợ điều trị và chăm sóc trẻ sơ sinh bị bệnh viêm tiểu phế quản tại nhà
Đối với trường hợp viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh nhẹ, bác sĩ sẽ chỉ định bố mẹ điều trị và chăm sóc trẻ sơ sinh tại nhà. Một số cách chăm sóc trẻ sơ sinh viêm tiểu phế quản tại nhà, bố em có thể lưu ý như sau:
Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường;
Không cho trẻ bỏ bữa, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng;
Vệ sinh mũi/ miệng bằng nước muối sinh lý;
Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ;
Vệ sinh tai hằng ngày;
Tránh cho trẻ tiếp xúc khói bụi, khói thuốc lá, mùi chất kích thích, phấn hoa,…
Khi ngủ kê gối dưới đầu để nâng cao đầu cho trẻ (đặc biệt không dùng gối cho trẻ sơ sinh)
Dùng máy phun sương để tạo độ ẩm trong phòng, giúp không gian được thoáng mát;
Tái khám cho trẻ định kỳ. (3)
Bố mẹ cần lưu ý không sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị viêm tiểu phế quản cho trẻ vì hầu hết tác nhân gây bệnh đều do virus gây ra. Trong trường hợp trẻ bị viêm tiểu phế quản do bội nhiễm vi khuẩn, bố mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để được chỉ định thuốc điều trị phù hợp.